Hướng dẫn chọn thực phẩm an toàn ngày tết
Các vụ ngộ độc thực có xu hướng tăng trong những ngày xuân, do thực phẩm khang hiếm nên nhiều người bất chấp tính mạng của người khác để trục lợi cho riêng mình.
Các bệnh viện và trung tâm y tế quận, huyện trong thành phố cho biết hiện nay họ vẫn thường xuyên tiếp nhận những ca cấp cứu do ngộ độc thực phẩm mà nguyên nhân gặp nhiều là do bệnh nhân ăn thức ăn ở đường phố và các loại rau có dư thuốc trừ sâu.
Bác sĩ Khanh khuyên: Khi mua thực phẩm tươi sống hàng ngày được bán ở các chợ, không chọn thịt có mùi lạ, nên lựa thịt có màu hồng (thịt heo) hoặc đỏ tươi (thịt bò), thớ thịt săn chắc, da mỏng, dùng ngón tay ấn vào khi bỏ ngón tay ra không để lại dấu vết gì. Không nên ăn cá nóc, mực bạch tuộc vì khi ngộ độc rất dễ tử vong. Tốt nhất nên mua cá, tôm đang bơi lội trong nước. Không nên mua loại trứng có vỏ bị rạn nứt. Trong điều kiện hiện nay, để giảm lượng thuốc trừ sâu hóa chất còn sót lại trên rau quả cần rửa thật nhiều nước. Ngâm kỹ, rửa sạch, rửa từng lá, nhất là ở các kẽ lá, gọt vỏ các loại quả tươi. Riêng đối với những loại rau lá nhỏ như xà lách xoong, rau dền, bông cải nên pha vào nước rửa 1-2 muỗng cà phê muối để sâu bọ và côn trùng bò ra khỏi các kẽ lá. Đối với các loại rau củ, trái cây nên rửa sạch trước khi gọt vỏ. Rửa rau quả ít nhất 3 lần hoặc rửa dưới vòi nước chảy để loại trừ các thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trôi theo dòng nước rửa.
Thức ăn đường phố cũng là loại được tiêu thụ khá nhiều trên thị trường hiện nay nhưng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế. Do chạy theo lợi nhuận, người chế biến lạm dụng phẩm màu hay những chất phụ gia không được phép dùng. Vì thê, không nên mua những loại thực phẩm có màu sắc lòe loẹt. Nên chọn những hàng quán sạch sẽ, tránh được gió bụi, thức ăn được che đậy và để trên cao cách mặt đất từ 60 cm trở lên. Đặc biệt không nên ăn ở những quán ăn gần cống rãnh.
Cách nhận biết các thực phẩm không an toàn
Rau cải: non mơn mởn, lá màu xanh ngắt, không thấy dấu vết sâu bệnh, thân chắc mập và đều tăm tắp thì đó là rau cải được bón nhiều phân đạm nitrat. Bạn không nên sử dụng rau cải này, nhất là ăn sống.
Lựa chọn rau an toàn cần có cả kinh nghiệm và sự hiểu biết.
Mướp đắng: những quả to, màu xanh đậm, mướt mát, thân phình to, da láng bóng là những quả hái từ cây bón nhiều đạm, chất kích thích sinh trưởng nên chất lượng sẽ kém và thường bị nhiễm độc khi ăn. Bạn nên chọn những quả có kích thước vừa phải theo loại giống trồng, mặt vỏ có nhiều gân nhỏ li ti để dùng thì sẽ an toàn và chất lượng.
Đậu cô ve: những quả dài, bóng, ít lông tơ, phân đốt rõ, hầu như không có quả nào có vết sâu bệnh thì đó là đậu có bón nhiều phân bón lá, các chất vô cơ thấm vào quả chưa được chuyển hóa thành hữu cơ, có phun thuốc hóa học trừ sâu vào thời gian sát khi thu hoạch, ăn loại đậu này dễ bị độc hại.
Giá đỗ: những cọng giá tròn lẳn, thân trắng nõn, ít rễ là giá được ngâm ủ qua một công nghệ "kinh dị": khi hạt đỗ nảy mầm, người ta dùng phân bón lá trộn với các loại thuốc trừ sâu, đem pha loãng tưới lên mầm giá rồi ủ kín, thuốc có tác dụng thúc giá đỗ nảy mầm nhanh và phát triển hơn bình thường. Loại giá này khi xào sẽ có nước đục, ăn không ngon và dễ gây độc hại.
Rau cần nước: không nên dùng những cây rau thân phình to, thân và ngó có màu trắng nõn bất thường vì loại cần này đã được bón quá nhiều phân (phân chuồng, phân hóa học, phân bón qua lá) và phun nhiều thuốc trừ sâu bệnh. Loại cần này rất nhanh héo và héo nhiều sau khi thu hoạch, chất lượng giảm và cũng dễ bị độc hại khi ăn.
Khi chế biến các loại rau có bẹ (rau cải, cải thảo...) bạn nên tách rời từng lá và cắt bỏ phần gốc lá, nhặt bỏ những lá sâu, ngâm rau vào nước muối loãng hoặc nước có hòa thuốc tím trong thời gian khoảng 15 phút sau đó vớt ra đem rửa kỹ dưới vòi nước chảy vài lần rồi mới chế biến. Cách làm này tuy đơn giản nhưng rất hiệu quả, có thể làm sạch thuốc trừ sâu, phân bón bám dính trên rau, có tác dụng sát khuẩn, tẩy rửa trứng giun, sán trên rau, qua đó giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm thuốc hóa học và các vi sinh vật có hại vào cơ thể người dùng, nhất là khi ăn rau sống.
Nhận biết thịt lợn không an toàn
Theo các chuyên gia của Viện dinh dưỡng Quốc gia, thịt lợn kém chất lượng (hoặc lợn bệnh, lợn chết) thường có màu đỏ bầm, nhũn nhão, độ đàn hồi kém, rỉ dịch nhiều, cắt sâu vào sẽ có máu (do lợn chết trước khi chọc tiết nên máu còn tụ lại trong cơ thể).
Nếu lợn chết đã lâu: thịt lợn sẽ có mùi hôi, lớp bì tím bầm, nước luộc đục, không thơm...
Thịt lợn tươi ngon có màng ngoài khô, không bị nhớt. Thịt lợn có màu hồng nhạt đến đỏ thẫm, khối thịt săn chắc, không nhũn nhão, không rỉ dịch, có độ đàn hồi cao, ngón tay ấn vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra. Các thớ thịt đều. Đường cắt mặt thịt khô ráo, thịt hơi rít, cơ hơi se lại; lớp bì mềm, mỡ màu trắng trong đến hơi ngà, khi ngửi không có mùi gắt dầu. Thịt ngon khi luộc có nước trong, váng mỡ to, có mùi thơm, không có mùi lạ.
Thịt bị bơm nước: đường cắt bị rỉ nước nhiều, cơ dãn, thịt tái màu. Khi mua, người tiêu dùng nên dùng ngón tay ấn vào miếng thịt, nếu trên thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra là miếng thịt tươi. Các thớ thịt phải đều, màng ngoài khô, không bị nhớt, khối thịt rắn chắc. Ngoài ra, các bà nội trợ cũng cần lưu ý không nên mua thịt, mỡ có màu vàng vì có thể lợn bị bệnh sắc tố, lợn gạo, lợn bị nhiễm ký sinh trùng...
Thịt sử dụng nhiều chất kích thích tăng trọng: thường tích nhiều nước, có độ săn chắc kém.
Miếng thịt nhiễm giun xoắn: khi thái sẽ có những đốm trắng to bằng đầu kim.
Thịt nhiễm sán: sẽ có những hình sợi (hoặc hình bầu dục to) bằng hạt đậu có mầu trắng nằm dọc theo các thớ thịt.
Thịt ướp urê (hoặc hàn the): khi cầm vào miếng thịt thấy cứng hơn, không còn cảm giác mềm mại và độ dẻo dính như thịt tươi.
No comments:
Post a Comment